NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ ÔNG CÔNG ÔNG TÁO
Ông công ông táo tại Trung Quốc
Táo Quân (灶君: Zào jūn), Táo Vương (灶王: Zào wáng) hay còn gọi là Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc và Việt Nam đều được xem là vị thần cai quản bếp núc mỗi nhà. Truyền thuyết về Táo Quân ở Việt Nam và Trung Hoa cũng không giống nhau.
STT | Chữ Hán | Phiên âm (pinyin) | Tiếng Việt |
1 | 灶君节 | zào jūn jié | Tết ông Công ông Táo |
2 | 农历12月23日 | 农历12月23日 | Ngày 23 tháng chạp |
3 | 送 | Sòng | Đưa, tiễn |
4 | 上天 | shàngtiān | Chầu trời |
5 | 玉皇大帝 | Yùhuáng dàdì | Ngọc hoàng thượng đế |
6 | 男曹星 | Nán cáo xīng | Nam Tào |
7 | 北斗星 | Běidǒuxīng | Bắc Đẩu |
8 | 鲤鱼 | Lǐyú | Cá chép |
9 | 烧香/上香 | Shāoxiāng/shàngxiāng | Đốt hương/thắp hương |
10 | 放生 | Fàngshēng | Phóng sinh |
11 | 拜谒 | Bàiyè | Bái kiến |
12 | 烧纸钱 | Shāo zhǐqián | Đốt vàng mã |
13 | 保佑 | Bǎoyòu | Phù hộ |
14 | 供奉 | Gòngfèng | Cúng |
15 | 恳求 | Kěnqiú | Cầu xin |
Từ thời Tiền Tần tới thời nhà Minh, Thanh việc cúng tế Táo quân được coi là một trong những nghi lễ quan trọng của triều đình phong kiến Trung Hoa. Trong các thư tịch cổ của Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều ghi chép về phong tục tế thần Táo quân.
Người dân Phúc Kiến cho rằng Táo quân là nữ thần nên gọi là “Táo Quân Lão mẫu” hoặc “Táo Quân Thái thái”. Theo Thái Bình Ngũ Lãm, Trịnh Huyền lại cho rằng Táo Thần là “lão phụ” tức một người đàn bà. Hứa Thận – nhà ngôn ngữ đời Đông Hán thì lại cho rằng: “Táo Thần họ Tô tên Cát Lợi là một người đàn ông, phu nhân họ Vương tên Bác Giáp”. Nhưng người vùng Ninh Hóa và một số vùng khác thì vẫn tôn thờ Táo Quân như nữ thần, có thể do họ chịu ảnh hưởng của Trịnh Huyền hoặc cho Táo Thần chuyên lo việc bếp núc là việc của nữ giới.
Truyền thuyết Táo quân tại Trung Quốc
- Truyền thuyết phổ biến nhất trong dân gian Trung Hoa là chuyện Trương Táo Vương như sau: Ngày xửa ngày xưa. có một gia đình họ Trương, nhà có hai vợ chồng già sống cùng con trai tên là Trương Lang và con dâu tên là Quách Đinh Hương. Người con trai Trương Lang không thích làm ruộng nên bỏ nhà ra đi, còn người con dâu Đinh Hương ở lại một mình cày cấy, gánh vác gia nghiệp nhà chồng đồng thời chăm sóc cha mẹ chồng, phải nói là cuộc sống của nàng vô cùng vất vả. Sau năm năm biền biệt bặt vô âm tín, vừa về đến nhà Trương Lang đuổi Đinh Hương đi và lấy Lý Hải Đường về làm vợ. Khi Đinh Hương không nơi nương tựa, nàng may mắn gặp được một bà lão đưa về nuôi, sau này nàng trở thành con dâu của bà lão và có cuộc sống viên mãn. Một năm nọ, gia đình Trương Lang gặp phải hỏa hoạn, tài sản bị thiêu rụi, người vợ Lý Hải Đường sau cũng bị thiêu chết. Trương Lang bị mù đôi mắt, không còn cách nào khác đành lưu lạc xin ăn đầu đường xó chợ. Sau đó vô tình Trương Lang đến nhà Đinh Hương xin ăn, nàng không những mang cơm ngon canh ngọt ra mời chàng, mà còn tặng cho chàng thêm vàng bạc. Về sau, Trương Lang biết được người phụ nữ hảo tâm đó chính là vợ cũ của mình, trong lòng liền xấu hổ, hối hận vô cùng, bèn đâm đầu vào bếp lửa và bị cháy chết trong đó. Bởi Trương Lang cùng họ với Ngọc Hoàng Thượng đế nên được ngài thương xót cứu vớt và phong cho làm Táo vương.
- Còn ở vùng Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến lại lưu truyền câu chuyện về một người tên là Trương Định Phúc có gia cảnh bần hàn, nhưng lại lười nhác, đam mê cờ bạc đến mức khuynh gia bại sản phải bán cả vợ. Thế nhưng người vợ vẫn thương xót nên thường giấu đồ ăn mang về cho chồng . Về sau, Trương Định Phúc cảm thấy vô cùng xấu hổ nên đã đâm đầu vào bếp lò chết. Sau khi chết, Ngọc Hoàng Thượng đế thương xót nên cho anh ta làm Táo thần.
- Cư dân hai bên bờ sông Trường Giang cũng lưu truyền câu chuyện thú vị về vị Táo quân bạc tình như sau: Ngày xưa, có một chàng trai tên là Lý Hồi Tâm con nhà phú gia . Vợ anh ta tên là Vương Huệ Mẫn vốn là con gái của một gia đình làm nông. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có mụn con nào, bà mối gần nhà thấy vậy nên đã làm mối cho Lý Hồi Tâm lấy cháu gái mình làm vợ lẽ. Không lâu sau, Lý Hồi Tâm nghe lời xúi giục của vợ lẽ đuổi vợ cả ra khỏi nhà. Vương Huệ Mẫn vô cùng đau khổ bèn bỏ đến một nơi hoang vắng. Tại đâu nàng tự khai hoang lập ấp, còn chiêu mộ và giúp đỡ thêm nhiều người dân nghèo lang thang cơ nhỡ đến an cư lạc nghiệp. Mọi người đồng cam cộng khổ, chăm chỉ lao động xây dựng vùng đất hoang vu ngày nào thành một trang ấp trù phú, giàu có. Mọi người trong đều nhất trí tôn Vương Huệ Mẫn lên làm người đứng đầu. Còn về Lý Hồi Tâm từ khi đuổi vợ cả đi, hằng ngày ăn uống chơi bời với vợ lẽ đến tán gia bại sản. Người vợ lẽ vốn lười làm ham chơi, lại thấy chồng trở nên nghèo khó nên đã vội vã đi lấy người khác. Lý Hồi Tâm sau đó phải đi xin ăn để duy trì cuộc sống của mình. Một hôm, Lý Hồi Tâm đến ăn xin đúng nhà của Vương Huệ Mẫn, mọi người trong nhà tiếp đón anh ta ân cần tử tế. Sau này Lý Hồi tâm mới nhận ra chủ nhà chính là người vợ cũ đã bị mình đuổi đi, nên rất xấu hổ và hối hận, bèn đâm đầu vào bếp lò chết cháy. Vương Huệ Mẫn cũng qua đời ít lâu sau đó vì quá thương xót chồng cũ. Ngọc Hoàng Thượng đế cho rằng Lý Hồi Tâm biết nhận sai nên phong làm Táo quân, còn Vương Huệ Mẫn thông minh hiền thục nên được phong làm Táo Vương Bà Bà.
Truyền thuyết Táo quân tại Việt Nam
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam Tái quân thực chất có nguồn gốc từ ba vị thần của Trung Quốc đó là: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ nhưng được người Việt hóa thành thần tích “2 ông 1 bà” (thần Đất, thần Nhà, thần Bếp). Tuy nhiên, người dân Việt Nam vẫn quen gọi chung là Ông Táo hoặc Táo Quân .
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu miệng trong dân gian, mãi đến sau này mới được người dân ghi chép lại, vì vậy nên có những sự khác nhau về tình tiết, nhưng nội dung chính các bản được tóm tắt như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi, hai người ăn ở với nhau đã lâu mà không mụn con nào, nên sinh ra buồn phiền, cãi cọ nhau. Một ngày Trọng Cao giận quá đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ của Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên có đi tìm vợ khắp nơi. Trong lúc tìm Trọng Cao tiêu đã tiêu hết tiền bạc đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao vô tình đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai người nhận ra nhau. Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà, hai người hàn huyên chuyện cũ và Thị Nhi cũng bày tỏ sự hối hận vì đã trót đi bước nữa.
Phạm Lang trở về nhà, vì sợ chồng bắt gặp chồng cũ ở nơi đây, lúc ý thật khó mà giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn mình trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà không biết Trọng Cao trốn bên trong đống rơm, liền đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị lửa thiêu chết . Thị Nhi ở trong nhà chạy ra không kịp, mắt thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên cũng ân hận, đau lòng mà nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh này quá bất ngờ nên không biết làm sao, chỉ thấy vợ nhảy vào lửa không biết làm thế nào bèn nhảy theo vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Ngọc Hoàng Thượng đế thấy cả ba người đều có nghĩa nên đã sắc phong cho họ làm Táo Quân gọi chung là “Định Phúc Táo Quân” (定福灶君: Dìng fú zào jūn) nhưng mỗi người giữ một công việc khác nhau.
Ngày ông Công ông Táo: Người dân Trung Quốc thường làm gì?
Hiến tế cho Táo quân
Ở Trung Quốc, Một trong những truyền thống đặc biệt của Tết Nguyên đán là đốt một mảnh giấy in hình của Táo quân. Được gọi là tiễn Táo quân lên trời để báo cáo tình hình của gia đình trong một năm vừa qua.
Sau đó Táo quân sẽ được chào đón trở lại bằng cách dán tờ giấy mới in hình ông bên cạnh bếp lò. Từ thời điểm đó, Táo quân sẽ giám sát và bảo vệ gia đình thêm một năm nữa.
Lễ tế Táo quân bao gồm: thủ lợn, cá, tương đậu đỏ, trái cây, dưa hấu, bánh bao hấp, kẹo mạch nha, kẹo guandong…. Điều này để ông Táo ăn vào sẽ có tâm trạng vui vẻ và chỉ bẩm tấu điều hay lên Ngọc Hoàng.
Lau dọn nhà cửa
Trong những ngày này, các gia đình Trung Quốc đều tiến hành dọn dẹp nhà cửa kỹ lưỡng. Họ quan niệm đây cũng là lúc quét dọn những điều đã cũ đi để chào đón năm mới về.
Ăn kẹo Guandong
Kẹo Guandong là một món ăn nhẹ truyền thống của người Trung Quốc ăn trong lễ hội Táo quân. Kẹo được làm từ hạt kê và mầm lúa mì.
Cắt gián giấy vào cửa sổ
Những câu đối của năm cũ sẽ được gỡ xuống và thay thế bằng những câu đối mới. Chúng được cắt từ những tờ giấy màu đỏ và dán vào cửa sổ. Như một vật trang trí hỳ vọng những điều tốt lành sẽ đến.
Tắm và cắt tóc
Như người xưa vẫn nói “dù giàu sang hay nghèo hèn”. Mọi người vẫn thường cắt tóc trước dịp Tết Nguyên đán. Tắm rửa sạch sẽ coi như trút bỏ những điều không may mắn của năm cũ đi. Tắm và cắt tóc thường được thực hiện vào ông Công ông Táo này.
Chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán
Mọi người bắt đầu mua sắm những vật dụng cần thiết. Bao gồm đồ cúng gia tiên, đồ đãi khách và gia đình cho dịp Tết Nguyên đán từ ngày này.
Danh sách mua sắm để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Bao gồm các mặt hàng như thịt, trứng, trái cây, rau củ, gạo, rượu, đường, muối, trà, giấy đỏ. Hình ảnh của những con ngựa và thần Bếp, hương, nến, đồ ăn vặt và lịch mới. Và có hai thứ không thể quên được đó là quần áo mới và pháo bông nha.
Xem ngay KHÓA HỌC TIẾNG TRUNG CƠ BẢN VÀ NÂNG CAO để nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Tiếng Trung Dương Châu
Liên hệ ngay Tiếng Trung Dương Châu:
♥Cơ sở 1: số 10, ngõ 156 phố Hồng Mai, Bạch Mai, Hà Nội.
Hotline: 09 4400 4400
♥Cơ sở 2: Số 22 – Ngõ 38 Trần Quý Kiên – Cầu Giấy – Hà Nội
Hotline: 09 8595 8595.