[Thành ngữ tiếng Trung] Nhân chi sơ tính bản ác
Trái ngược với tư tưởng “Nhân chi sơ tính bản thiện” của Khổng Tử và Mạnh Tử, Tuân Tử lại đưa ra tư tưởng khác là “Nhân chi sơ tính bản ác”. Vậy ý nghĩa của tư tưởng Nhân chi sơ tính bản ác là gì? Hôm nay các bạn hãy cùng tiếngtrung.com tìm hiểu tư tưởng này nhé!
1. Tuân Tử là ai?
Tuân Tử (荀子 Xúnzi) (316 TCN – 237 TCN) tên thật là Huống, tự là Tuân Khanh, người nước Triệu, là một nhà Nho, nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc. Cùng với Mạnh Tử, ông cũng là một trong những nhà Nho nổi bật nhất trong những người kế thừa và phát triển tư tưởng Nho gia của Khổng Tử.
Tuân Tử là người đã chứng kiến sự hỗn loạn xung quanh sự sụp đổ của nhà Chu và sự nổi lên của nhà Tần. Thời mà nhân tính con người đã bị tha hoá đến cùng cực, chỉ còn lại bản năng sinh tồn. Thời mà nạn đói khổ chết chóc thê thảm đến nỗi con người phải bán con mà kiếm miếng ăn. Trong những năm tháng loạn lạc ấy, Tuân Tử đã chứng kiến và nghiệm thấy rõ con người có lòng lang dạ sói, tranh giành quyền lực, xâu xé lẫn nhau. Trong bối cảnh đó, ông cho rằng con người đã mang tính ác trong mình.
2. Quan niệm tính bản ác nơi con người của Tuân Tử
Mạnh Tử cho rằng bản tính của con người lúc ban đầu là Thiện, là quà tặng của ông trời ban cho con người. Mọi người đều có bản chất tốt và đạo đức, nếu một người biêt nỗ lực tu thân, người đó có thể trở thành người anh minh giống như các vị vua Nghiêu, vua Thuấn.
Học thuyết của Mạnh Tử gói gọn trong bốn chữ “Nhân – Lễ – Nghĩa- Trí”. Ông cho rằng để trở thành một người có lý niệm, người đó cần phải giữ được bốn tiêu chuẩn: lòng nhân từ, biết lễ nghi, có nghĩa khí và có trí tuệ”. Bốn đặc tính của con người kết hợp cùng các hành vi tương ứng của họ trở thành nền tảng tạo thành bốn đức tính của lòng nhân từ, nghĩa khí, lễ nghi, và trí tuệ.
Tuân Tử cũng cho rằng bản tính là do trời sinh, đó là bản tính tự nhiên của mỗi con người. Nếu bản tính của ai cũng giống nhau, đều ác cả thì bản tính của thánh nhân cũng như bản tính của người thường.
Ông bà ta cũng thường nói cha mẹ sinh con trời sinh tánh để nói đến tâm tính bên trong con người là sẵn có, không thể thay thế hoặc làm ra. Bên cạnh đó, Tuân tử còn nói thêm tính ích kỷ của con người, qui về mình mình, ham muốn hưởng thụ.
Với Tuân Tử thì những gì đi ngược lại với luân thường đạo lý của xã hội, đi ngược lại với thái bình thịnh trị là ác.
Trong thuyết tính ác Tuân Tử đã viết: nhân chi tính ác (tức nhân chi sơ tính bản ác)
ÁC (惡 È) là chữ thuộc dạng Hài Thanh, trên là chữ Á (亞 Yà) ngày trước nghĩa là xấu , dưới là chữ TÂM (心 xīn) ghép với nhau nghĩa là tâm xấu hay hung dữ.
Theo cách nhìn của ông những gì mang lại thái bình thịnh trị, đất nước ấm êm thì đó là thiện, ngược lại điều gì mang lại chiến tranh bạo lực, hỗn loạn thì đó là ác.
Với tư tưởng của Pháp gia là “ nhà nước tập trung kiểm soát bằng luật pháp và hình phạt”. Vì vậy khác với các nhà Nho khác, ông cho phép những pháp luật tồn tại sự trừng phạt để đóng vai trò nhất định trong việc quản lý nhà nước. Ông cũng ít chú trọng đến các luật lệ chung mà ủng hộ việc sử dụng ví dụ cụ thể để làm hình mẫu.
Ông cũng cho rằng nhờ tâm con người mới có thể hiểu được đạo lý sống. Ông thường ví tâm như nước, khi nước lặng yên không bị khuấy động thì bụi bặm lắng xuống, nước sẽ trong sáng như mặt gương, phản ánh rõ ràng từng chân râu, kẽ tóc. Tâm mà tĩnh thì cũng có thể soi chiếu đến tận cùng cái lý của vạn vật.
Từ đây có thể thấy được tâm là yếu tố giúp con người hướng thiện và cũng là nơi có thể hướng ác. Tuân Tử đưa ra hướng giúp con người trở thành người tốt. Theo Tuân Tử tâm tính con người giống như thân cây, nếu bị cong bị vênh muốn uốn cho thẳng thì trước hết cần phải có khuôn để uốn, phải luộc, phải hơ nóng và dao bị cùn thì cần phải dũa, phải mài mới trở nên sắc bén để có thể dùng được. Bản tính con người cũng thế, tâm muốn thiện thì họ cần được dạy dỗ và giáo dục. Để giáo dục con người trở nên tốt thì việc đầu tiên là phải dạy tâm. Dạy tâm trong con người có nghĩa là giáo dục về cả hiểu biết và ý thức. Khi tâm trong con người được giáo dục thì sẽ phân được đúng sai phải trái, tốt xấu thiện lành, điều gì nên làm điều gì không nên làm.
Tư tưởng này đã được một học trò xuất sắc của ông là Hàn Phi phát triển lên thành một học thuyết gọi là học thuyết pháp trị. Học thuyết này cho đến nay vẫn còn gây nên nhiều tranh cãi, kẻ khen người chê đều không thiếu.
Xem ngay KHÓA HỌC TIẾNG TRUNG CƠ BẢN VÀ NÂNG CAO để nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Trung tâm Tiếng Trung Dương Châu – Trung tâm lớn nhất Hà Nội.
Để được tư vấn về các sách học tiếng Trung và các khóa học tiếng Trung.
Liên hệ ngay Tiếng Trung Dương Châu:
Cơ sở 1: số 10, ngõ 156 phố Hồng Mai, Bạch Mai, Hà Nội.
Hotline: 09 4400 4400
Cơ sở 2: Số 22 – Ngõ 38 Trần Quý Kiên – Cầu Giấy – Hà Nội
Hotline: 09 8595 8595.