Học tiếng trung tốt tại Hà Nội, Tp.HCM

Thập đại mỹ nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc

Phạm Dương Châu 16.07.2020 Lịch sử Trung Quốc

中国古代美 – Mỹ nữ cổ đại Trung Quốc. Các bạn mê phim ảnh cổ trang, yêu thích lịch sử Trung Quốc hay đơn giản là có hứng thú với đất nước tỷ dân này chắc hẳn đã từng ít nhất một lần tự hỏi phụ nữ Trung Quốc cổ đại có nhan sắc ra sao đúng không nào? Từng nghe đến “tứ đại mỹ nữ” của Trung Quốc, thậm chí có cả “Thập đại mỹ nữ”, vậy rốt cuộc họ đẹp đến mức nào mà lại được xưng tụng như vậy? Phải chăng những mỹ nhân này nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, thậm chí nhan sắc của họ còn khiến cho các bậc thiên tử thời ấy si mê đến độ bỏ bê triều chính? Hãy cùng Tiếng Trung Dương Châu tìm hiểu xem “Thập đại mỹ nữ” là ai và họ có thực sự như danh xưng không nhé!

  1. 西施 (Xīshī) Tây Thi

Người đời thường nói “Đẹp như Tây Thi”, “Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi”, … Vậy nàng là ai, nàng đẹp đến mức nào? Tây Thi Trầm Ngư hay còn có cái tên khác là Tây Tử, là một trong tứ đại mỹ nhân (四大美人 Sì dà měi rén) của Trung Quốc. Nàng là người Chiết Giang thời Xuân Thu, tên thật là Thi Di Quang, nhà ở thôn phía Tây nên được gọi là Tây Thi, làm nghề dệt vải trên núi Trữ La. Cách gọi này dùng để phân biệt với người con gái khác cũng họ Thi nhưng ở thôn phía Đông, tức Đông Thi, người được nhắc đến trong câu thành ngữ “Đông Thi hiệu tần”, ý chỉ việc Đông Thi bắt chước Tây Thi nhăn mặt, cau mày khiến dung mạo thành ra khó coi. Câu thành ngữ ngầm chỉ những người không biết phân biệt tốt xấu, cứ bắt chước làm theo một cách máy móc.

Để ví vẻ đẹp của Tây Thi, dân gian tương truyền rằng khi nàng giặt áo bên bờ sông, bóng soi mặt nước, cá dưới sông vì nhìn thấy vẻ đẹp bội phần này mà say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Từ đó, người trong vùng xưng tụng nàng là “Tây Thi Trầm Ngư”.

Tây Thi xuất thân vốn chỉ là cô gái giặt lụa bên sông, nhưng Câu Tiễn vì mong muốn phục quốc nên đã tặng nàng cho Ngô vương Phù Sai. Có người cho rằng đây chính là trường hợp “mỹ nhân kế” đầu tiên được áp dụng.

Rất nhiều tác phẩm văn học viết về Tây Thi, trong đó có bài thơ “Ẩm hồ thượng sơ tình hậu vũ” của Tô Đông Pha. Trong bài thơ này, ông đã so sánh Tây hồ với Tây Thi, nói rằng trang mỹ nhân dù điểm phấn tô son ít hay nhiều đều đẹp như nhau; còn Tây hồ, dù trời nắng hay mưa phong cảnh vẫn làm say đắm lòng nguời.

“Dưới nắng long lanh màu nước biếc;

Trong mưa huyền ảo vẻ non tươi.

Tây hồ khá sánh cùng Tây tử;

Nhạt phấn nồng son thảy tuyệt vời”.

(Bản dịch của Nam Trân, NXB Văn học, 1991)

  1. 昭君 (Zhāo jūn) Chiêu Quân

Vương Chiêu Quân có tên thật là Vương Tường là một trong tứ đại mĩ nữ, sinh ra trong một gia đình gia giáo thời Tây Hán, dưới triều Hán Nguyên Đế và được chọn làm cung nữ ngay khi đến tuổi trường thành. Nhan sắc của nàng có thể nói là 昭君落雁 (Zhāo jūn luò yàn) Chiêu Quân lạc nhạn, có nghĩa là vẻ đẹp của nàng làm cho chim nhạn say mê ngắm nhìn đến mức quên bay nên rơi mất. Không những thế nàng còn tinh thông cầm kì thi họa.

Vương Chiêu Quân Nàng phẩm hạnh thanh cao, vì không chịu đút lót cho họa sĩ thời đó là Mao Diên Thọ nên bị ông ta vẽ xấu. Từ đó, dẫu sắc nước hương trời nhưng bao năm liền trong cung, Chiêu Quân không hề được quân vương đoái hoài.

Lúc này, Thiền vu của Hung Nô phương Bắc đến Trung thổ muốn tỏ ý thần phục, bèn nắm lấy cơ hội bày tỏ nguyện vọng được trở thành con rể của Nguyên Đế. Tuy nhiên, lần này Hán Nguyên Đế lại muốn chọn cung nữ để gả cho ông ta, liền sai người truyền lệnh đến hậu cung: “Ai đồng ý hòa thân cùng Hung Nô, thì sẽ được sắc phong làm công chúa”.

Tuy nói là có thể một bước lên mây trở thành phượng hoàng, nhưng chẳng ai nguyện ý rời xa quê nhà mà gả đến một nơi đồng khô cỏ cháy, xa xôi lạnh lẽo, chung sống với dị tộc không cùng ngôn ngữ, văn hóa. Thế nhưng Vương Chiêu Quân lại không nghĩ vậy, vì vận nước nàng tự nguyện gả đến Hung Nô.

Đến khi Chiêu Quân xuất giá, Hán Nguyên Đế mới phát hiện ra vẻ đẹp kiêu sa của nàng, lúc này thì mọi thứ đã muộn, Mao Diên Thọ bị xử trảm.

Cuốn sách đột phá trong tư duy đầu tiên của ngành Hán ngữ bạn đã biết chưa ? Đừng để mình là người cuối cùng sở hữu nhé. Xem thêm TẠI ĐÂY

Có thể là hình ảnh về sách

  1. 貂蝉 (Diāo chán) Điêu Thuyền

Điêu Thuyền là mỹ nhân tuyệt sắc với vẻ đẹp được ví là 闭月 (Bì yuè) Bế nguyệt. Nhan sắc của nàng đẹp đến nỗi trăng phải hổ thẹn núp sau màn mây. Nàng sống vào thời Tam Quốc khoảng thế kỉ thứ 3. Nàng cũng xuất hiện trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Hán Trung.

Điêu Thuyền là nhân vật khá đặc biệt trong số các mỹ nhân Trung Hoa, bởi sự tồn tại của nàng vẫn còn là vấn đề gây hồ nghi trong giới sử gia. Tất cả họ đều cho rằng nàng là nhân vật không có thật mà chỉ được hư cấu trong văn học.

Điêu Thuyền xuất hiện trong thời Tam Quốc, là con nuôi của đại thần Vương Doãn. Khi nàng vừa tròn 16, Vương Doãn đương thời đang rất bất mãn với triều đình của Đổng Trác. Điêu Thuyền vì hiểu được nỗi lòng của cha nên đã nghĩ cách báo quốc, tìm kế ám sát Đổng Trác.

Trong Tam Quốc diễn nghĩa có câu: “Chư hầu 18 nước không giết được Đổng Trác, vậy mà chỉ 1 nàng Điêu Thuyền lại làm được”.

  1. 杨贵妃 (Yáng guì fēi) Dương Quý Phi

Nói đến mỹ nữ Trung Quốc không thể không kể đến Dương Quý Phi. Dương Quý Phi cùng Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền trở thành Tứ đại Mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, sắc đẹp của họ được mệnh danh là “chim sa cá lặng, hoa nhường nguyệt thẹn, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.

Dương Quý Phi trong chính sử có tên gọi là楊太真 (Yáng Tài Zhēn) Dương Thái Chân hoặc 杨玉环 (Yáng Yù Huán) Dương Ngọc Hoàn, sống vào thời nhà Đường, là con của một vị quan tư hộ đất Thục Chân. Sau đó Dương Quý Phi được sự ân sủng của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Nhan sắc của nàng được ví như 羞花 (Xiū huā) Tu hoa, có nghĩa là vẻ đẹp của nàng làm hoa cũng phải hổ thẹn. Nàng trở thành quý phi của vua Đường Huyền Tông vào năm 26 tuổi.

Trong các bức chân dung cổ vẽ Dương Quý Phi, hình tượng của nàng thường có khuôn mặt bầu bĩnh, tay chân mũm mĩm. Điều này phần nào cho thấy tiêu chuẩn thẩm mỹ của người đời Đường. Họ thích phụ nữ đầy đặn và tròn trịa.

Bạch Cư Dị trong “Trường Hận Ca” đã miêu tả về Dương Quý Phi như sau:

“Hậu cung giai lệ tam thiên nhân;

Tam thiên sủng ái tại nhất thân”

Ý thơ rằng:

“Hậu cung người đẹp có ba nghìn;

Ba nghìn yêu thương chỉ mình nàng”.

Theo ghi chép chính sử, Dương Quý phi mất năm 37 tuổi trong biến loạn An Sử, nhưng cũng có giả thuyết cho rằng, Dương Quý phi không bị sát hại mà được tùy tùng giúp giả chết rồi trốn thoát đến Nhật Bản.

5. 苏妲己 (Sū dá jǐ) Tô Đát Kỉ

Tô Đát Kỷ có lẽ là mỹ nhân xấu xa nhất trong lịch sử Trung Hoa, nàng chính là Vương Hậu của Đế Tân – vị vua cuối cùng của nhà Thương. Ngoài việc nổi tiếng với mái tóc đen dài, dáng vẻ uyển chuyển, dung mạo hơn người, nàng cũng được biết đến như người đã làm si mê vua dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thương.

Theo các ghi chép lịch sử, Trụ Vương vì mê đắm sắc đẹp của Đát Kỷ mà bỏ bê việc triều chính, cuối cùng khiến nhà Thương bị diệt vong.

Vào thời đó, để vui chơi cùng Tô Đát Kỷ, Trụ Vương đã cho xây Nhục Lâm Tửu Trì, tức rừng thịt ao rượu, ăn chơi ngày đêm. Cũng vào thời kì này, các hình thức tra tấn man rợ như cho rắn độc cắn, đốt cháy da thịt bằng kim loại nung đỏ, … được nghĩ ra để áp dụng với những người can gián hoặc đối tượng bị hoàng hậu ganh ghét.

Trong tiểu thuyết Phong Thần diễn nghĩa, Đát Kỷ được cho là do con hồ ly chín đuôi biến hóa thành. Trung thần Tỷ Can chỉ vì đắc tội với Đát Kỷ mà bị bắt moi tim.

6. 赵飞燕 zhào fēi yàn Triệu Phi Yến

Nhắc đến Dương Quý phi, không thể không nói đến Triệu Phi Yến 孝成趙皇后 (Xiào chéng zhào huánghòu) Hiếu Thành Triệu Hoàng Hậu. Bởi trong văn học, nàng chính là người thường được đem ra so sánh với người đẹp họ Dương với câu thành ngữ “Hoàn phì Yến sấu”, tức Ngọc Hoàn thì tròn trịa, Phi Yến lại gầy guộc mảnh mai.

Triệu Phi Yến cũng là một mỹ nhân người triều Hán, sống trước thời của Dương Quý phi, nổi tiếng với tài ca múa, dáng vẻ yểu điệu, nhẹ nhàng, uyển chuyển tựa chim yến nên được gọi là Phi Yến. Nàng được biết đến là “một trong ba công nữ xuất sắc nhất Trung Quốc cổ đại”. Ca khúc trong cung nhà Hán miêu tả khả năng múa hát điêu luyện của Triệu Phi Yến với câu “nhảy múa trên lòng bàn tay” (chưởng thượng vũ).

Lý Bạch trong “Thanh bình điệu” đã mượn Triệu Phi Yến để ca ngợi Dương Quý Phi:

“Tá vấn Hán cung thuỳ đắc tự;

Khả liên Phi Yến ỷ tân trang”.

Dịch thơ:

“Hỏi ai cung Hán mà hơn được;

Phi Yến e còn phải điểm trang”.

Ý rằng Dương Quý phi sở hữu vẻ đẹp tự nhiên, Phi Yến cần phải trang điểm mà chưa biết có thể sánh bằng không.

Cũng chính vì “Thanh bình điệu” này mà Lý Bạch, thi sĩ “điên” được hoàng đế thán phục nhưng rồi vướng phải dèm pha thị phi chốn hậu cung mà quan trường lận đận.

Mặc dù từ một vũ công trở thành hoàng hậu, thậm chí là hoàng thái hậu, nhưng cũng vì tranh giành chốn hậu cung mà Triệu Phi Yến bị buộc tự sát. Em gái của nàng là Triệu Hợp Đức cũng cùng chung cảnh ngộ. 

7. 张丽华 (Zhāng lì huá) Trương Lệ Hoa

Trương Lệ Hoa hay còn gọi là Trần triều Trương quý phi (陈朝张贵妃 Chén cháo Zhāng guìfēi), là một mỹ nhân tuyệt thế xuất hiện tại Nam triều thuộc nhà Trần.

Trương Lệ Hoa xuất thân từ một gia đình binh gia, nhưng suy sút bần hàn ở Dương Châu, Giang Nam. Để kiếm kế sinh nhai, cha bà và anh trai đan chiếu kiếm sống.

Tuy là con nhà nông, phải phụ cha mẹ làm những công việc đồng áng nặng nhọc nhưng Lệ Hoa đang ở độ tuổi đôi mươi có nét đẹp khác lạ: “Da trắng như tuyết, mắt đen láy, thân hình toát lên vẻ thanh tú”, những vẻ đẹp theo bà từ lúc mới sinh nên tên Lệ Hoa cũng do cha mẹ đặt từ các đặc điểm trên. Trương Lệ Hoa có mái tóc dài bảy thước, bóng đến soi gương được, lông mày như vẽ. Ngoài ra, bà còn có trí nhớ hơn người và sự nhạy bén nhận biết người tài, có thể nói là “Nhân gian có lời nào hay chuyện gì, luôn luôn biết trước”

Sau này Trương Lệ Hoa làm Quý phi của Nam triều Trần Hậu Chủ Thúc Bảo, nổi tiếng là một sủng phi gây loạn chính sự. Vào năm 589, nhà Tùy diệt nhà Trần, Trương Lệ Hoa bị vu tội “Họa thủy ngộ quốc” (祸水误国 Huòshuǐ wù guó), bị Trưởng sử nhà Tùy là Cao Quýnh giết chết, có truyền thuyết lại cho rằng người giết bà là Dương Quảng.

8. 虞姬 (Yú jī) Ngu Cơ

Ngu Cơ còn được người đời biết đến với tên gọi Ngu mĩ nhân 虞美人 (Yú měirén). Ngu Cơ sinh vào khoảng 230 TCN, cuối nhà Tần, , là hồng nhan tri kỷ của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Nàng nổi tiếng với gương mặt nhỏ nhắn, nụ cười tươi tắn, giỏi ca múa và cả sự thủy chung với chồng mình là Hạng Vũ.

Hình ảnh Ngu Cơ xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học, điện ảnh. Tuy nhiên trong các tài liệu lịch sử, người đẹp này lại rất ít khi được nhắc đến.

Theo sử sách, năm 202 TCN, Hạng Vũ bị quân Hán bao vây ở Cai Hạ, đang đêm Sở vương thức dậy, nghe quân Hán ở 4 mặt đều hát giọng Sở. Quân Sở nghe bài hát quê hương mà nhớ nhà, nhục chí bỏ trốn. Biết khó thoát, Hạng Vũ bèn ngồi bên Ngu Cơ hát bài “Cai Hạ ca”, lời ca bi thương thống thiết:

“Sức dời núi, khí trùm trời;

Ô Truy chùn bước bởi thời không may!

Ngựa sao chùn bước thế này?

Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?”

Hạng Vũ hát mấy lần, Ngu Cơ cầm kiếm múa hòa theo, đáp lời rằng:

“Quân Hán đã chiếm đất;

Khúc Sở vang bốn bề.

Trượng phu chí lớn cạn;

Tiện thiếp sống làm chi”.

Sau đó, nàng cầm kiếm tự sát, Sở Bá Vương phá vòng vây nhưng cùng đường cũng tự vẫn.

9.  卓文君 (Zhuōwén jūn) Trác Văn Quân

Trác Văn Quân là vợ của nhà văn nổi tiếng Tư Mã Tương Như thời nhà Hán. Câu chuyện tình của họ được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Văn Quân là con gái của Trác Vương Tôn, viên ngoại vùng Tứ Xuyên. Nàng có dung mạo diễm lệ, lại giỏi chơi đàn và làm thơ. Tuy nhiên, Trác Văn Quân khi mới 16 tuổi đã được gả chồng, vài năm sau lại trở thành góa phụ.

Một hôm Tư Mã Tương Như đến chơi nhà nàng, đã gảy khúc “Phụng Cầu Hoàng”, khiến người đẹp mê mẩn. Từ đó nàng quyết định đi theo Tương Như, đang đêm bỏ nhà theo đuổi tiếng gọi của tình yêu.

Hai người sau đó mở một quán rượu, sống rất vất vả. Tuy nhiên về sau, Tư Mã Tương Như được vua trọng dụng, làm đến chức Trung Lãng tướng. Khi làm quan xa nhà, cách mặt Văn Quân một thời gian, Tư Mã Tương Như có ý định lập thê thiếp mới, bèn gửi cho Văn Quân đôi dòng ngắn ngủi: “Một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười trăm nghìn vạn”, ẩn ý rằng ta đây không còn nghĩ gì tới nàng nữa.

Tuy nhiên, Văn Quân đã gửi lại lá thư với dòng tâm tư rất thú vị:

“Sau khi một biệt, lòng gởi hai nơi,

Chỉ hẹn rằng ba bốn tháng,

Nào ngờ lại năm sáu năm,

Bảy dây trống trải đàn cầm,

Tám hàng thư không thể gởi,

Chín mối bội hoàn dang dở,

Mười dặm trường đình mỏi mắt ngóng trông,

Trăm tương tư, ngàn dằn vặt, muôn chung nào nỡ oán chàng.

Vạn lời ngàn tiếng nói sao đang,

Trăm cô liêu tựa mười hiên vắng,

Mùng chín tháng chín lên cao trông lẻ nhạn,

Tháng tám trung thu tròn trăng chẳng thấy người,

Tháng bảy nửa vầng hương cầm đuốc hỏi ông trời,

Tháng sáu phục hiên ai ai lay quạt lạnh lòng ai,

Tháng năm lửa lựu lập loè sầm sập mưa dầm hoa tả tơi,

Tháng tư tỳ bà lạnh vắng người toan soi gương tâm ý loạn,

Chợt hối hả tháng ba hoa đào theo nước trôi,

Tháng hai gió gảy tiếng rã rời.

Ôi chàng, chàng ơi,

Nguyện cho được sau một kiếp,

Chàng thành nhi nữ để thiếp làm phận trai”

Sau khi đọc thơ của Văn Quân, với cách dùng từ khéo léo, tận dụng câu chữ trong bức thư mình gửi, Tư Mã Tương Như lấy làm xấu hổ từ bỏ ý định lập thiếp.

 10.褒姒 (Bāosì) Bao Tự

Bao Tự họ Tự, là mỹ nhân nhà Tây Chu trong lịch sử, cũng chính là Vương hậu thứ hai của Chu U vương, vị Thiên tử cuối cùng của giai đoạn Tây Chu trong lịch sử Trung Quốc.

Truyền thuyết kể rằng, Bao Tự là một mỹ nhân cực kỳ xinh đẹp và quyến rũ, Chu vương mê say nàng nhưng chưa bao giờ thấy nàng cười nên ra lệnh ai làm cho nàng cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng. Để làm nàng cười, Chu U vương nghe theo một nịnh thần, đã đốt lửa trên cột lửa hiệu triệu chư hầu, đùa giỡn với chư hầu rồi gây họa làm mất Cảo Kinh. Việc nhà Chu suy yếu bắt đầu từ đây. Điển tích nổi tiếng này được gọi là Phóng hỏa hí chư hầu (烽火戲諸侯/phồn thể, 烽火戏诸侯/giản thể – Fēng huǒ xì zhū hòu).

Mỹ danh của Bao Tự về sau được lưu truyền như một “Hồng nhan họa thủy” (紅顏禍水/phồn thể, 红颜祸水/giản thể – Hóngyán huòshuǐ – nghĩa là Người đẹp làm hại đất nước), thường liệt kê vào danh sách các mỹ nhân nổi tiếng và ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Nàng cùng Muội Hỉ, Đát Kỷ và Ly Cơ được xem là Tứ đại yêu cơ (四大妖姬 Sì dà yāo jī), khiến cho cơ nghiệp các quân vương thời Tiên Tần bị phá hoại (nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu và nhà Tấn).

Thập đại mỹ nhân, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người mỗi câu chuyện, người lưu tiếng thơm, kẻ để lại vết nhơ, âu cũng là bài học lưu truyền hậu thế. Họ cũng đóng góp một phần rất lớn làm lên sự phong phú và thú vị của lịch sử Trung Hoa.

➥ [Tìm hiểu] Lịch sử Trung Quốc thời phong kiến 

Cùng nhau học tập cùng với Tiếng Trung Dương Châu để có thể trở nên thành thạo tiến Trung hơn và tìm hiểu thêm thật nhiều về lịch sử cũng như văn hóa Trung Quốc nhé. Tham gia các lớp học của Tiếng Trung Dương Châu TẠI ĐÂY nhé

 

Mọi thông tin thêm về các khóa học mọi người có thể liên hệ tư vấn trực tiếp :

♥ Inbox fanpage Tiếng Trung Dương Châu

♥ Shop Tiki : https://tiki.vn/cua-hang/nha-sach-tieng-trung-duong-chau

 Shop Shopee : https://shopee.vn/nhasachtiengtrungduongchau

♥ Shop Lazada : https://www.lazada.vn/shop/nha-sach-tieng-trung-pham-duong-chau

Hotline: 09.4400.4400 – 09.8595.8595

?️ Cơ sở 1 : số 10 ngõ 156 Hồng Mai – Bạch Mai – Hà Nội.

?️Cơ sở 2 : Số 22 – Ngõ 38 Trần Quý Kiên – Cầu Giấy – Hà Nội

Rate this post
0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Theo dõi
Thông báo
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
TOP