Học tiếng trung tốt tại Hà Nội, Tp.HCM

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng và những bí mật chưa có lời giải đáp

Phạm Dương Châu 14.07.2020 Lịch sử Trung Quốc

Tần Thủy Hoàng là một vị vua đã có công thống nhất lại lãnh thổ Trung Quốc, mở ra thời kỳ của đế chế Trung Quốc thịnh vượng. Trong suốt thời kỳ trị vì của mình, ông đã cho xây dựng nhiều công trình vĩ đại một trong số đó phải kể đến công trình kiến trúc Lăng mộ. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng luôn là một địa danh vô cùng nổi tiếng và bí ẩn, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà khảo cổ học và du khách đến tham quan. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở đâu, và nơi đây chứa đựng những bí ẩn như thế nào? Hãy cùng Tiếng Trung Dương Châu tìm hiểu qua bài viết hôm nay nhé!

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở đâu?

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc núi Lý Sơn, thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An 50 km về phía Đông. Lăng mộ được bao quanh bởi núi Linh Sơn và sông Vỹ, được coi như “đế thủy” với thế đất hình rồng. Lăng mộ được xây ở vị trí chính giữa mắt rồng, tương truyền rất linh thiêng với nhiều câu chuyện chưa được vén màn bí mật.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất thế giới, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1987. Khu lăng mộ là khu bảo tồn văn vật quan trọng cấp quốc gia của Trung Quốc. Chính vì thế mà nơi đây được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến để khám phá và có được trải nghiệm thú vị ở đây.

Nó được phát hiện vào năm 1974, khi một người nông dân gần thành phố Tây An đào một cái giếng và tìm thấy một cái đầu bằng đất sét. Khi đó các nhà khảo cổ mới bắt đầu tiến hành khai quật và phát hiện ra Lăng mộ hoành tráng này. Các cuộc khai quật lăng mộ được tiến hành từ những năm 70 nhưng cho đến nay, các nhà khoa học chỉ mới đào được khoảng 8000 cổ vật, bởi vì họ gặp nhiều vấn đề như kinh phí, vấn đề an toàn và bảo quản cổ vật. Có thể nói để tìm được địa điểm lăng mộ của vị vua nổi tiếng Tần Thủy Hoàng thì không đơn giản chút nào.

Lăng mộ được thiết kế giống như Kim Tự Tháp, có chiều cao 76m và rộng gần 350m2. Đặc biệt, khu lăng mộ được thiết kế như một tổ hợp các cung điện đền đài được bao quanh bởi những thành quách.

Những bí ẩn về Lăng mộ Tần Thủy Hoàng chưa có lời giải đáp

  1. Liệu Thi thể của Tần Thủy Hoàng – Hoàng đế tàn bạo nhất vẫn có còn nguyên vẹn sau hơn 2000 năm?

Năm 1970, một thi thể phụ nữ nguyên vẹntrong Ngôi mộ Mã Vương Đôi – thời Hán tại thành phố Trường Sa, Trung Quốc được phát hiện đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Xương của cô vẫn được bảo quản tốt. Đây thực sự là chuyện khá hiếm.

Thi thể được bảo quản trong điều kiện tốt nhất có thể, chính điều đó dấy lên suy nghĩ liệu thi thể của vua Tần Thủy Hoàng cũng có thể còn nguyên vẹn, do hai giai đoạn chỉ cách nhau hơn 100 năm, thời đại Tần Thủy Hoàng chắc phải nắm được kỹ thuật ước xác này chứ?

Tuy nhiên, theo ghi chép lịch sử, Tần Thủy Hoàng băng hà vào lần vi hành trong thời tiết oi bức và thi thể của ông sớm đã phân hủy trên đường hồi cung về làm lễ mai táng. Vì thế khả năng thi thể của ông giữ được nguyên vẹn là một điều hoàn toàn khó có thể xảy ra. Vì vậy, có vẻ như thi hài của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã không được bảo quản ở trạng thái tốt nhất.

  1. Liệu thực sự có thủy ngân ở trong lăng mộ không?

Trái ngược với các mẫu đất tại các khu vực khác trong lăng mộ, người ta lại không tìm thấy thuỷ ngân ở đây. Nhưng các nhà khoa học đã đưa ra một kết luận sơ bộ rằng, ghi chép về số lượng lớn thuỷ ngân được chôn cất trong ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng là hoàn toàn có cơ sở và đáng tin cậy.

Theo “Sử ký Tư Mã Thiên” – một quyển sách lịch sử vĩ đại do Tư Mã Thiên ghi chép lại, những kiến trúc sư và thợ xây dựng lăng mộ đã dùng hàm lượng thủy ngân khá lớn đưa vào bên trong nhằm tạo ra các con sông và biển ở đây. Một cuốn khác “Hán Thư” cũng có những ghi chép tương tự. Nhưng với trình độ khoa học còn hạn hẹp khi ấy, thật khó xác định được thực hư bên trong Lăng mộ Tần Thủy Hoàng có chứa thủy ngân không? Điều này thực sự vẫn là một bí ẩn.

Mãi cho đến ngày nay, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ, các nhà khảo cổ tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi tồn tại suốt hơn 2.000 năm về bí ẩn này. Sau nhiều công cuộc kiểm tra, thử nghiệm với nhiều mẫu đất  và nước được lấy trong lăng cũng như khu vực xung quanh lăng, các chuyên gia đã phát hiện được hàm lượng thủy ngân khá cao. Tuy thủy ngân không phân bố rộng khắp lăng nhưng cũng xác nhận được những tư liệu nói về Lăng mộ Tần Thủy Hoàng có chứa thủy ngân là hoàn toàn có cơ sở.

  1. Có bao nhiêu lối vào lăng mộ Tần Thủy Hoàng?

Cũng theo tư liệu “Sử ký Tư Mã Thiên” có viết: “Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, thi hài của ông được đưa vào lăng mộ. Ngay lúc đó, các cánh cửa chính và cửa bên ngoài đều bị đóng chặt hoàn toàn, kín như bưng để cho tất cả thợ thủ công, kiến trúc sư, người thiết kế, binh lính đều bị chôn vùi cùng vị vua quyền lực này. Mục đích là để ngăn chặn việc tiết lộ thông tin về địa hình của lăng mộ ra ngoài”.

Qua đó có thể thấy rằng, lăng mộ có đến ba cổng: Cổng bên ngoài, cổng ở giữa, cổng bí mật và cả ba cùng nằm trên một đường thẳng. Trong đó cổng giữa đã được khóa tự động bằng cơ quan để ngăn chặn bất kỳ sự xâm nhập từ bên trong hay bên ngoài, không cho bất kỳ ai vào hoặc ra khỏi nơi đây.

  1. Đội binh lính đất nung được dựa vào khuôn mẫu nào?

Theo các hồ sơ không chính thức, trong lần chiến đấu hòng lật đổ nhà Tần, vị vua đến từ nước Sở – Hạng Vũ đã bỏ mạng trong tay năm kỵ binh tại vùng Quan Trung, thời Tần. Ông đã bị 5 tên lính kỵ binh trừ khử bên bờ sông Ngô Giang.Và dựa theo hình tượng những vị kỵ binh này, nhà Tần đã cho làm khuôn mẫu để tạo ra Đội quân đất nung hùng hậu dưới Lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên mỗi chiến binh lại có chiều cao và khuôn mặt khác nhau, thậm chí biểu hiện trạng thái trên khuôn mặt cũng không giống nhau và được dàn trận theo binh pháp nhà Tần.

  1. Giá trị của kho báu bên trong Lăng mộ Tần Tủy Hoàng lớn đến mức nào?

Thời cổ đại, không chỉ riêng vua Tần Thủy Hoàng mà hầu như tất cả các vị vua, vương công quý tộc hoặc thậm chí là những gia đình giàu có đều chôn theo của cải cùng người quá cố. Đó là một tập tục chôn cất có từ lâu đời không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Nhưng đối với một vị vua đầy quyền lực và đầy tài sản như Tần Thủy Hoàng thì số lượng báu vật mà ông mang theo cùng thi thể của mình chắc hẳn là con số vô cùng khổng lồ.

  1. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng sâu đến mức nào?

Khảo sát của các nhà khảo cổ mới đây nhất đã chỉ ra rằng, lăng mộ ngầm của Tần Thủy Hoàng dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc tới Nam. Tổng diện tích là 41.600 m2. Đây là lăng mộ lớn nhất trong triều đại Tần và Hán, kích thước của nó tương đương với 5 sân bóng đá quốc tế hiện tại.

Các nhà Khảo cổ sau này đã sử dụng máy khoan và chứng tỏ rằng, ngôi mộ này được thiết kế theo chiều dọc. Tư Mã Thiên đã từng nói, chiều dài ngôi hầm mộ này còn dài hơn 3 con sông hợp lại.

Cuốn sách “Nghi lễ thời nhà Hán” cho biết, điểm tận cùng của lăng mộ này không thể đo đếm được. Điều đó chứng tỏ rằng, lăng mộ đã đạt tới độ sâu nhất có thể với trình độ khoa học công nghệ thời bấy giờ. Nhưng thực sự sâu đến thế nào thì vẫn chưa ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này?

  1. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng chứa 9 tầng địa ngục?

Từ trên cao nhìn xuống, lăng mộ có hình của một Kim tự tháp vuông. Đây chính là nguyên nhân vì sao người Mỹ lại gọi nó là “Kim tự tháp lùn”. Có một điều nghịch lý rằng, hình dạng Kim tự tháp ngược của lăng mộ lại trùng khớp với mô tả của “9 tầng địa ngục”.

Nhiều người nhận xét Tần Thủy Hoàng là một bạo chúa lập dị. Vì vậy, bí ẩn về “9 tầng địa ngục” vẫn đang được các nhà khảo cổ học khám phá.

  1. Vì sao cuốn sách lịch sử nổi tiếng “Sử ký Tư Mã Thiên” lại viết rằng “Ngôi mộ có cả bầu trời và mặt đất”? Điều này mang ý nghĩa gì?

Trong những năm gần đây, một biểu đồ thiên văn học và địa lý đã được phát hiện tại ngôi mộ nhà Hán tại Đại học Giao thông Tây Nam, Trung Quốc. Phần trên của biểu đồ có mặt trời, mặt trăng và sao, biểu tượng của bầu trời, và phần dưới là núi, sông và động vật đại diện cho mặt đất.

Dựa vào sự suy luận, các nhà nghiên cứu tìm ra sự kết nối và nhận định, trần nhà của lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thể đã được khảm bằng ngọc trai như các ngôi sao, sàn nhà với các ngọn núi và sông chụm thủy ngân. Trong “vương quốc” ngầm, linh hồn của hoàng đế vẫn cai trị mọi thứ giữa trời và đất.

  1. Quan tài của Tần Thủy Hoàng Đế được làm bằng đồng hay bằng gỗ?

Cuốn sách lịch sử “Sử ký Tư Mã Thiên” cho thấy, một số lượng kỷ lục “đồ đồng đặt ngoài quan tài”. Do vậy, một số học giả kết luận rằng, quan tài của hoàng đế được làm bằng đồng. Tuy nhiên, một cuốn sách lịch sử khác – “Hán Thư” cho biết: “Người xưa dùng đồng ở bên trong và phủ bởi một lớp sơn bên ngoài quan tài để trang trí. Nhưng mặt khác, quan tài được nạm và đính trang trí bởi rất nhiều ngọc bích và ngọc lục bảo”, vậy chất liệu quan tài bên trong cũng rất có thể được làm bằng gỗ (Theo phong tục từ thời xa xưa).

  1. Cơ quan tự động vẫn còn hoạt động tốt?

Người cổ đại có sở thích chôn cất kho báu trong lăng mộ. Vì vậy, những khu vực này thường xuyên xảy ra các vụ trộm mộ. Để chống lại các cuộc “xâm lược” từ bên ngoài, người xưa dùng nhiều biện pháp khác nhau, tạo nên các cơ quan để ngăn chặn chúng. Tương truyền, ngoài thủy ngân độc hại, còn có hệ thống cung tên tự động chống đạo tặc trộm mộ. Bất kỳ ai dám bén bảng tới khu vực lăng mộ sẽ bị những mũi tên bắn vào người đến chết.

Tuy vậy, cho tới ngày nay, những cung tên tự động đó đã được cất giấu tới 2000 năm, do đó nhiều người thắc mắc về việc chúng còn hoạt động tốt hay không?

Chúng mình vừa cùng nhau tìm hiểu về những bí ẩn về một trong số những lăng mộ của các vị vua phong kiến là ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng rồi đấy. Hy vọng bài viết vừa rồi đã đem lại cho các bạn những thông tin hữu ích, nếu bạn còn thông tin hãy chia sẻ cùng Tiếng Trung Dương Châu để tìm hiểu những nét văn hóa của Trung Quốc nha

[Tổng hợp] Lịch sử phong kiến Trung Quốc 

4/5 - (1 bình chọn)
0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Theo dõi
Thông báo
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
TOP