Những ngày lễ tết quan trọng trong năm của người Trung Quốc
Những ngày lễ tết của Trung Quốc
Cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc có rất nhiều những ngày lễ tết. Nếu các bạn đang tìm hiểu về văn hóa Trung Hoa thì nhất định không nên bỏ qua những ngày lễ quan trọng trong năm đối với người Trung Quốc. Bây giờ, các bạn hãy cũng Tiếng Trung Dương Châu tìm hiểu về những ngày lễ tết này nhé.
Tết Nguyên Đán
Giống với Việt Nam, tết Nguyên đán là một ngày lễ vô cùng quan trọng đối với người Trung Quốc. Tết Nguyên đán được tính từ ngày mồng một tháng một âm lịch đầu tiên đến hết ngày mười lăm tháng một (rằm tháng giêng).
Vào những ngày này, người Trung Quốc đổ tiền đi sắm tết, họ mua quà tặng, đồ trang trí, quần áo, thực phẩm… Mọi gia đình đều lau dọn nhà cửa sạch sẽ để quét đi những điều không may của năm cũ và chào đón những điều tốt đẹp sắp tới trong năm mới. Cửa sổ, cửa ra vào đều được dán câu đối đỏ và những chữ mang ý nghĩa tốt đẹp như “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”,… Vào đêm Trừ Tịch hay ở Việt Nam được gọi là đêm giao thừa, bữa tối của đêm hôm đó sẽ trở thành đại tiệc của gia đình.
Bữa cơm đêm Giao thừa thường rất phong phú đẹp mắt, theo truyền thống sẽ có gà và cá. Ở một số nơi, cá (魚 – yú – ngư) không được ăn hết, phần còn lại sẽ được để qua đêm, vì chữ cá (魚 – yú – ngư) trong tiếng Trung đồng âm vời chữ dư(餘 – yú – dư) trong “dư dả”, hơn nữa người Trung Quốc cũng có câu nói: “Niên niên hữu dư” (年年有餘 – nián nián yǒu yú) nghĩa là năm nào cũng có dư dả, câu này phát âm giống như “Niên niên hữu ngư” – năm nào cũng có cá.
Ở Trung Quốc đại lục, nhiều gia đình sẽ cùng nhau xem chương trình đêm Gala mừng năm mới của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV trong nhiều giờ cho đến nửa đêm. Và đêm Trừ Tịch sẽ kết thúc bằng những màn pháo hoa lung linh rực rỡ.
Sáng sớm hôm sau, trẻ em sẽ đi chúc Tết chào hỏi người lớn và sẽ được nhận phong bao lì xì từ người lớn.Trong các phong bao này thường được để một số tiền với những con số mang ý nghĩa may mắn như 6 (lục) đồng âm với “lộc”, 8 (bát) đồng âm với “phát”, 9 (cửu) đồng âm với chữ “cửu” trong “vĩnh cữu”, mong rằng những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với người thân của mình trong năm mới.
Tết Nguyên Tiêu
Tết Nguyên Tiêu là cũng một trong những ngày lễ đầu năm quan trọng nhất đối với người Trung Quốc. Tết Nguyên tiêu diễn ra vào ngày 15/1 âm lịch. Đây cũng là ngày cuối cùng trong dịp tết xuân cổ truyền của Trung Hoa. Tết Nguyên tiêu hay còn được gọi là Tết Hoa Đăng.
Người Trung Quốc cũng có những truyền thuyết liên quan đến ngày tết quan trọng này.
Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, ngày xưa ở trên thiên đình có một con thiên nga bay xuống hạ giới. Khi bay xuống dưới trần gian, nó đã bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai thiên binh vạn mã của thiên đình đúng ngày 15 tháng 1 xuống hạ giới để hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật nơi đây. Rất may là có một số vị thần trên Thiên đình không đồng ý với hình phạt hơi nặng tay này của Ngọc Hoàng. Họ đã liều mình xuống hạ giới để bày kế giải cứu cho chúng sinh. Họ bảo con người phải đốt pháo và treo đèn lồng để Ngọc Hoàng tưởng rằng hạ giới đã bị hỏa thiêu. Nhờ đó mà con người mới thoát khỏi cảnh diệt vong.
Truyền thuyết thứ hai kể rằng, vào thời vua Hán Vũ Đế, có một cô gái trẻ sống trong cung tên là Nguyên Tiêu. Cô bị cấm không được về thăm cha mẹ. Vì vậy mà cô đã có ý định nhảy xuống giếng tự tử vào ngày 15 tháng 1. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô, một vị quan đại thần đã nghĩ ra một kế để giúp cô. Ông đi gặp và tâu với Hán Vũ Đế rằng vào ngày 16 tháng giêng, Ngọc Hoàng nhất định sẽ sai Hỏa thần xuống thiêu rụi Kinh thành, để tránh khỏi tai họa đó, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường vào ngày 15 Âm lịch. Hán Vũ Đế bèn ra lệnh cho người dân trong kinh thành vào ngày đó mọi nhà đều phải treo đèn lồng. Khi tất cả người dân đều bận rộn và mải mê ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ đã có cơ hội để trốn về nhà thăm cha mẹ mà không ai hay biết.
Vì thế, cứ mỗi khi vào ngày tết Nguyên tiêu, người Trung Quốc nhà nhà đều treo đèn lồng và bắn pháo hoa, có nơi còn có tục thả đèn trời.
Ngắm đèn lồng và ăn bánh trôi là hai hoạt động không thể thiếu trong ngày tết Nguyên Tiêu. Ngoài ra, trong ngày này, người Trung Quốc còn tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí như: Đi cà kheo, múa sư tử… Đặc biệt là ở những nơi trên thế giới mà có người Hoa sinh sống, mỗi khi vào dịp Tết Nguyên Tiêu họ đều tổ chức múa sư tử. Múa sư tử được người Trung Quốc chia thành 2 phái là “phái Nam” và “phái Bắc”.
Ở miền Nam múa sư tử thường chú trọng về các động tác và kĩ xảo, thường có hai người múa là chính, điệu múa linh hoạt và biến đổi linh hoạt. Múa sư tử ở miền Bắc thì lại chú trọng đến khí thế, trong một đội múa thường là mười mấy người, thậm chí là mấy chục người cùng múa. Khi múa thường có đệm nhạc mang đậm đặc sắc dân gian Trung Quốc. Cho dù là người múa hay là người xem thì họ đều tích cực tham gia vào bầu không khí náo nhiệt đó của đêm rằm tháng giêng.
Tết Thanh minh
Đối với người Trung Quốc, Tết Thanh minh còn được xem như một ngày quốc lễ, ngày này vô cùng quan trọng đối với họ. Nhắc đến Tết Thanh minh thì bao giờ người ta cũng sẽ nghĩ đến hai hoạt động chính đó là lễ tảo mộ và hội đạp thanh.
Đây là hai hoạt động chính của ngày lễ này. Mỗi năm vào dịp Tết Thanh minh, người Trung Quốc sẽ đến mộ phần của tổ tiên, ông bà mình để quét dọn sạch sẽ, gọn gàng. Sau khi dọn dẹp xong, con cháu sẽ bày thức ăn, hoa quả ra để cúng cho những người đã khuất, họ thắp hương, đốt tiền vàng để tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Tết Thanh Minh ở Trung Quốc còn là nghi thức đầu xuân quan trọng, ngày này được xem như là sự kết nối giữa nỗi buồn và hy vọng. Đối với người Trung Quốc, Tết Thanh minh không chỉ là ngày lễ đến tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, mà đó còn là một ngày hội du xuân. Vào ngày này nhiều gia đình cùng nhau hân hoan, háo hức tham gia các hoạt động văn hóa, để kết nối tình yêu thương giữa con người với con người với nhau, tăng thêm tình yêu đối với cuộc sống.
Tết Đoan ngọ
Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Có khá nhiều giả thuyết liên quan đến nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ Trung Quốc, trong đó được lưu truyền rộng rãi nhất phải kể đến truyền thuyết về Khuất Nguyên.
Khuất Nguyên là một vị đại thần của nước Sở vào cuối thời Chiến Quốc. Tương truyền rằng, Khuất Nguyên chính là tác giả bài thơ “Ly Tao” nổi tiếng trong văn hóa cổ đại Trung Hoa. Bài thơ thể hiện tâm trạng buồn của nhà thơ khi muốn can gián vua trước tại họa mất nước mà không được.
Vốn là một người có tính khí cương trực, vì vậy mà Khuất Nguyên thường hay khuyên can vua. Ông bị gian thần hãm hại bị đi đày ra biên ải. Trên đường đi, nghe tin nước Sở mất, ông đã gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng 5.
Vì tiếc thương cho vị trung thần của nước Sở, người dân đã chọn ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch để tưởng niệm Khuất Nguyên. Dù hình thức tưởng niệm ít nhiều cũng đã bị thay đổi theo thời gian nhưng ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ Trung Quốc vẫn được giữ nguyên đến bây giờ.
Trong ngày Tết Đoan ngọ, người Trung Quốc thường tổ chức các hoạt động như đua thuyền, tổ chức lễ hội rước rồng, hái trà, hái thuốc hay đeo túi thơm,…
Người Trung Quốc cũng có những món ăn riêng vào ngày này. Họ thường sẽ ăn bánh nếp và uống rượu hùng hoàng. Bánh nếp thường được sơ chế và chuẩn bị từ tối hôm trước bằng cách ngâm gạo với lá tre. Tùy theo mỗi vùng khác nhau mà nhân bánh nếp có thể sẽ là thịt, đỗ xanh, long nhãn, trứng mặn hay bột dẻ, hạt tiêu…
Rượu hùng hoàng được làm ra bằng cách lên men lúa mạch với hùng hoàng. Hùng hoàng một khoáng vật màu vàng được người Trung Quốc dùng để đuổi sâu bọ và côn trùng.
Tết Trung thu
Tết Trung thu diễn ra vào ngày mười lăm tháng tám Âm lịch. Khác với Việt Nam, Tết Trung thu ở Trung Quốc là một ngày đoàn viên của gia đình chứ không phải là ngày tết thiếu nhi.
Vào ngày tết Trung thu, người Trung Quốc dù có đi làm ở phương xa cũng sẽ trở về quê nhà để xum họm với gia đình mình. Họ thường sẽ cùng nhau ăn một bữa tối thật đầm ấm và cũng có những hoạt động đặc trưng vào ngày lễ này.
Vào đêm rằm Trung thu, các cô nàng thiếu nữ sẽ có lễ cúng trăng với mong muốn mình có vẻ đẹp thanh cao, thuần khiết như Hằng Nga, trắng sáng lung linh vĩnh cửu tựa như trăng tròn trên bầu trời.
Bánh Trung thu là một món ăn không thể thiếu trong ngày này. Chiếc bánh tròn tựa như mặt trăng đêm rằm tháng tám và cũng tượng trưng cho sự đoàn viên của gia đình. Mọi người cùng quây quần bên nhau vừa thưởng ánh trăng sáng vừa thưởng vị bánh ngon.
Tết Trùng Dương
Tết Trùng Dương (còn gọi là Tết Trùng Cửu) diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch hàng năm. Con số 9 được coi là con số dương, sự lặp lại hai lần của con số này được gọi Trùng Cửu hay Trùng Dương. Vì vậy, ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch được gọi là Tết Trùng Dương hay Tết Trùng Cửu.
Theo lịch sử ghi chép lại, vào năm 221 trước Công nguyên, sau khi nhà Tần thống nhất đất nước Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã cho người dân tổ chức hoạt động cúng tế nhằm ăn mừng một mùa bội thu vào tháng 9 âm lịch hằng năm trên khắp cả nước.
Và ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch được coi là một ngày tốt lành của tháng 9, tết Trùng Cửu cũng từ đó mà ra đời, nó mang ý nghĩa chúc mừng một mùa màng bội thu.
Tuy nhiên, tết Trùng Cửu ngoài việc để kỉ niệm một mùa bội thu ra, thì nó còn có thêm nhiều ý nghĩa khác nữa. Tết Trùng Cửu còn có một cách gọi khác là “Từ thanh”, có nghĩa là “tạm biệt thảm cỏ xanh”.
Bởi sau ngày Trùng Cửu trời bắt đầu chuyển sang đông, cây cối trở nên không còn sức sống, không còn là một màu xanh mơn mởn mà thay vào đó là những chiếc lá vàng mang một nỗi buồn man mác. Và tết Trùng Cửu chính là cơ hội đi chơi cuối cùng của người dân trước khi bắt đầu một mùa đông lạnh giá.
Tết Trùng Cửu còn được người Trung Quốc gọi là Tết người cao tuổi hay Tết người già. Bởi trong quan niệm dân gian của người Trung Quốc, con số 9 9 (“cửu cửu 九 九”) đồng âm với “cửu cửu 久 久” trong “vĩnh cữu”, có nghĩa là lâu dài, ngụ ý cầu mong người thân được mạnh khỏe và trường thọ.
Vì vậy, hằng năm mỗi khi đến Tết Trùng Dương, người dân khắp các nơi trong cả nước Trung Quốc đều tổ chức các hoạt động với ý nghĩa kính trọng những người cao tuổi. Vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, người Trung Quốc thường đưa cha mẹ ông bà mình đi leo núi, ngắm hoa cúc, ăn bánh bò và cắm thủ dũ.
Tại sao người Trung Quốc vào ngày Tết Trùng Dương lại hay làm những hoạt động đó? Để giải thích cho điều này, chúng ta phải đi tìm hiểu về một câu chuyện truyền thuyết của người Trung Hoa.
Theo truyền thuyết kể rằng, vào thế kỷ 3 trước công nguyên, có một người tên là Phí Trường Phòng, người này có phép thuật vô cùng thần thông quảng đại. Ông không những có thể kêu mưa, gọi gió, mà thậm chí ông còn có thể đuổi thần, bắt ma.
Có một người thanh niên tên là Hoàn Cảnh muốn xin ông nhận mình làm đồ đệ, và ông đã chấp nhận sau những lời cầu xin đầy quyết tâm của anh. Ông dạy anh rất nhiều phép thần thông biến hóa. Rồi một hôm ông nói với trò mình rằng: “Đến ngày mùng 9 tháng 9, cả nhà con sẽ gặp phải một nạn lớn, con nhất định phải chuẩn bị đi.”
Hoàn Cảnh nghe vậy liền quỳ sụp xuống xin thầy chỉ cách để cứu gia đình qua khỏi kiếp nạn này. Phí Trường Phòng bèn nói với trò mình: “Đến ngày mồng 9 tháng 9, con hãy làm mấy chiếc túi bằng vải đỏ, bỏ lá thủ dũ vào trong rồi buộc vào cánh tay mình, con còn phải mang theo ít rượu ngâm với hoa cúc, rồi đưa cả nhà già trẻ gái trai lên một dốc cao để uống rượu. Làm như vậy thì nhất định sẽ tai qua nạn khỏi”.
Hoàn Cảnh về đến nhà liền lập tức làm theo lời căn dặn của thầy. Sáng sớm hôm đó, Hoàn Cảnh đã đưa cả gia đình mình lên một con dốc cao gần đó, cả ngày hôm đó mọi thứ đều rất bình yên như chưa có chuyện gì xảy ra.
Hoàn Cảnh liền cùng gia đình trở về nhà. Thế nhưng khi họ về đến nơi thì thấy trâu, bò, lợn, cừu,… đều đã chết hết cả, khiến ai cùng đều cảm thấy kinh hãi. Như vậy là, cả gia đình Hoàn Cành đều đã tránh được kiếp nạn này. Kể từ đó, cứ vào ngày mồng 9 tháng 9 Âm lịch hằng năm, mọi người dân Trung Quốc đều rủ nhau trèo lên núi cao, cắm thủ dũ và uống rượu hoa cúc. Phong tục này của họ vẫn luôn được giữ gìn và được lưu truyền suốt hơn 2 nghìn năm.
Tại các vùng đồng bằng Trung Quốc đều không có núi, vì vậy mà vào Tết Trùng Dương, người dân ở những vùng này có phong tục lấy gạo nếp, kê, táo đỏ…. để làm bánh hấp, phía trên những chiếc bành còn cắm lá cờ nhỏ 5 màu, gọi là “bánh hoa quế”. Họ ăn bánh hoa quế với ngụ ý là đã trèo lên núi cao.
Bánh quế hoa mềm xốp không khô, vị bánh ngọt thanh, đặc biệt còn lưu giữa được hương thơm tinh tế của hoa quế, khiến người ăn không cảm thấy ngấy, mà ngược lại hương vị của bánh làm người ăn khi thử một miếng rồi chỉ muốn ăn thêm miếng nữa.
Hoa quế trong Đông y có vị cay tính ấm, có khả năng kháng viêm trị ho, chính vì vậy mà bánh quế hoa cũng có thể dùng để giữ ấm cho cơ thể.
Tham gia ngay khóa học online với thầy Phạm Dương Châu và cùng nhau khám phá hết vẻ đẹp của Trung Hoa nhé !!!
♥ inbox fanpage: Tiengtrung.vn – Trung tâm tiếng Trung
? Hotline: 09.4400.4400 – 09.8595.8595
?️ Cơ sở 1 : số 10 ngõ 156 Hồng Mai – Bạch Mai – Hà Nội.
?️ Cơ sở 2 : Số 22 – Ngõ 38 Trần Quý Kiên – Cầu Giấy – Hà Nội