Học tiếng trung tốt tại Hà Nội, Tp.HCM

Ngũ Đài Sơn – ngọn núi linh thiêng tại Trung Hoa

Phạm Dương Châu 28.01.2022 Du lịch Trung Quốc

Ngũ Đài Sơn Linh Thiêng

Giới thiệu

Trung Quốc Đại Lục được biết đến là một quốc gia với muôn vàn cảnh đẹp trên thế giới. Một quốc gia với diện tích lãnh thổ rộng lớn, dân cư đông đúc cùng  sự đa dạng văn hóa. Chính vì đa dạng bản sắc dân tộc, sắc màu văn hóa mà Trung quốc hấp dẫn khách du lịch ở khắp mọi nơi. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo nha. Cùng tiengtrung.com tìm hiểu qua bài viết này về ngọn núi tâm linh mang tên Ngũ Đài Sơn ngay thôi nào !!!

Vị trí địa lý 

Ngũ Đài Sơn hay còn có tên gọi khác là Thanh Lương sơn có vị trí tại huyện Ngũ Đài. Khu vực này thuộc tỉnh Hãn Châu của tỉnh Sơn Tây. Ngọn núi vang danh khắp vùng với vị trí top những ngọn núi linh thiêng. Ngũ Đài Sơn vang danh đứng đầu trong tứ đại phật giáo sơn của Trung Hoa. Tứ đại bao gồm : Ngũ Đài Sơn, Phổ Đài Sơn, núi Nga Mi và cả núi Cửu Hoa nữa. Ngọn núi Ngũ Đài nơi được xây dựng nhiều tu viện, chùa chiền rất quan trọng tại Trung Quốc.

ngu-dai-son

Khí hậu

Thời tiết tại núi Ngũ Đài lạnh quanh năm. Có lẽ vì thế mà Thanh Lương Sơn còn được biết đến là ngọn núi trong lành, yên ả cùng với tiết trời mát lạnh.

Nhiệt độ tại Ngũ Đài quanh năm chỉ ở mức trung bình là -4 °C. Kể cả những tháng cao điểm của mùa hè, thời tiết vẫn ở mức khoảng 8,5 – 9,5 °C. Khí hậu lạnh nhất trong khoảng thời gian đầu năm mới, chính là tháng 1 đầu năm. Thời tiết tháng 1 với cái lạnh căm căm, nhiệt độ lạnh đến -18,8 °C. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa đỉnh núi và chân núi khoảng 6°C. Còn tính mức độ chênh lệch nhiệt độ trung bình cả năm sẽ rơi vào khoảng 2-3 °C.

Nhiệt độ thấp nhất mà nơi đây từng có khoảng -30 °C. Và nhiệt độ cao nhất ở nơi đây là 30 °C. Chính vì thế, thời điểm du lịch đến núi Ngũ Đài Sơn đẹp nhất chính là khoảng thời gian mùa hè thu.

Toàn cảnh Ngũ Đài Sơn

Khi viếng thăm Ngũ Đài Sơn, ngoài việc tận hưởng không khí trong lành và cảnh quan tươi đẹp. Đây cũng là dịp chúng tôi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Phật giáo Trung Hoa, tận mắt chứng kiến những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo mà người ta vẫn cho rằng chúng có ảnh hưởng đến kiến trúc cung điện của Trung Quốc trên một nghìn năm.

Kiến trúc tổng thể tự nhiên, Ngũ Đài Sơn gồm năm ngọn núi có đỉnh cao từ 2.500 đến 3.000 mét so với mặt nước biển, tọa lạc ở huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây. Sở dĩ địa danh này có tên như vậy là vì có năm đỉnh núi thuôn tròn bao gồm Đông Đài Vọng Hải Phong (phía đông), Nam Đài Cẩm Tú Phong (phía nam), Trung Đài Thúy Nham Phong (ở giữa), Tây Đài Quải Nguyệt Phong (phía tây), Bắc Đài Diệp Đẩu Phong (phía bắc) – cao nhất.

Ngũ Đài Sơn cũng là quê hương của một số công trình kiến trúc bằng gỗ cổ nhất hiện còn tồn tại ở Trung Quốc, có từ thời kỳ nhà Đường (618 – 907). Các ngôi chùa Phật giáo bắt đầu được xây dựng trên dãy núi này từ khoảng thế kỷ thứ nhất theo Công lịch. Trong số này có sảnh chính của chùa Nam Sơn và sảnh đông của chùa Phật Quang, được xây dựng tương ứng vào các năm 782 và 857. Chúng được một nhóm các nhà sử học kiến trúc phát hiện năm 1937 và 1938, trong đó có cả sử gia nổi tiếng đầu thế kỷ 20 là Lương Tư Thành (1901 – 1972).

Tổng cộng có 39 chùa chiền trong khu vực bên trong Ngũ Đài Sơn và 8 chùa chiền bên ngoài Ngũ Đài Sơn. Đây là nơi duy nhất có sự kết hợp các dòng Phật giáo của người Hán bản địa với các dòng Phật giáo từ Tây Tạng và Nội Mông Cổ nên được các dân tộc ít người tại Trung Quốc rất tôn sùng.

Chùa Nam Sơn là chùa lớn nhất trên Ngũ Đài Sơn, xây dựng từ thời nhà Nguyên. Chùa bao gồm 7 tầng, chia ra làm 3 phần. Ba tầng thấp nhất được gọi là Cực Lạc tự; tầng giữa gọi là Thiện Đức đường; ba tầng trên gọi là Hữu Quốc tự. Các chùa chiền chính khác còn có chùa Hiển Thông, chùa Tháp Viện và Bồ Tát đính.

Trong số những di tích đáng chú ý tại đây có ngôi chùa Đại Hiển Thông ra đời sớm nhất ở Ngũ Đài Sơn, được xây từ đời Minh Đế nhà Đông Hán (năm 58 – 73); chùa gỗ lâu đời nhất ở Trung Quốc mang tên Phật Quang, có từ năm 857; điện Văn Thù với 500 tượng Phật, bồ tát… Đây cũng là nơi ra đời của nhiều pho sách Phật giáo.

Chùa Tháp Viện được xem là biểu tượng của Ngũ Đài Sơn vì nó tọa lạc phía trước của các ngôi chùa với chiều cao 75,3m. Đó chính là một ngôi tháp cao được sơn màu trắng – Tháp Trắng Lớn mang kiến trúc Tây Tạng.

Chùa Tháp Viện

 

Chùa Văn Thù (Viện Đại Văn Thù) có lịch sử từ thời Bắc Ngụy. Nó gắn liền với truyền thuyết Bồ tát Văn Thù đã ở đây. Vua nhà Thanh là Khang Hy và Càn Long đã từng đến đây và để lại thủ bút.

Ngôi chùa nổi tiếng nữa chính là Thù Tượng, gần cạnh chùa Tháp Viện, xây vào thời nhà Nguyên trên diện tích 6.400 mét vuông gồm 50 hạng mục khác nhau.  Trong đó thì điện Văn Thù là kiến trúc lớn nhất với tượng Bồ – tát Văn Thù được tọa lạc ở đó. Một điều đặc biệt là đến đây bạn sẽ thấy có một con suối nước trong vắt chảy ra từ chùa này có tên là Bát Nhã (nước thường được lấy để cho vua chúa dùng).

Thưởng thức ẩm thực Ngũ Đài Sơn

Sau khi du ngoạn một số địa danh, chúng tôi đã có dịp thưởng thức ẩm thực nơi đây. So với Bắc Kinh hay Thượng Hải thì có lẽ ẩm thực tại Ngũ Đài Sơn (Sơn Tây) không nổi tiếng bằng. Tuy nhiên, nó vẫn có nhiều món ngon mang hương vị hấp dẫn không thể cưỡng lại.

Súp thịt cừu Tou-nao là món ăn phổ biến bậc nhất ở Sơn Tây. Để nấu món ăn này, người ta dùng thịt cừu, sơn dược, rễ sen, hoàng kì, hành củ và không thể thiếu một chút rượu trắng để thêm hương. Bạn sẽ thưởng thức món này bằng cách nhúng những chiếc bánh không có men vào, quện với súp rồi ăn. Trong những ngày đông tháng giá, người dân địa phương thường ăn món này vì rất bổ dưỡng và tạo sự ấm áp cho cơ thể.

Món ngon nữa ở đây chính là mì yến mạch (yao mian) là đặc sản của Sơn Tây- vùng này trồng nhiều yến mạch nhất Trung Quốc. Món ăn được tạo ra và nướng dưới dạng tổ ong. Các ống mì đều có nhân có thể được kéo ra ngoài rồi nhúng trong sốt cà chua và tỏi. Hoặc bạn cũng có thể thưởng thức một tô mì yến mạch lạnh với giấm, ớt và hành lá. Mì yến mạch là món ăn duy nhất ở Trung Quốc về cả hương và vị.

Món mì yến mạch tổ ong tỏi ớt

Thịt heo hấp phô mai đậu nành cũng là món ăn mà bạn không thể lơ đi khi đến Ngũ Đài Sơn. Thịt heo được người ta xào chín thơm lừng rồi hấp với phô mai đậu nành, gừng, tỏi nên lúc chín món ăn sẽ có vị thơm ngạy của phô mai lẫn mỡ heo. Món ăn này được ăn chung với nhiều loại rau sống khác nhau. Sau khi thưởng thức món này, tôi tin bạn sẽ còn nhớ vị của nó giống như đã từng được ăn phở Hà Nội chính hãng. Nói chung là ngon tuyệt!

Ngoài ra, khi đến đây, bạn sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản đường phố như Dao Shao Mien (mì ngắn), mì tai mèo, bánh mì thịt, bánh bao Shaomai, thịt viên chua ngọt,…Tất cả các món ăn kể trên sẽ đánh thức vị giác nếu đã lỡ “ngủ quên” của bạn.

Chuyến bay, giá vé bạn có thể tham khảo để đến Ngũ Đài Sơn.

Từ Hà Nội đi sân bay Vũ Túc Thái Nguyên (Sơn Tây) giá vé khứ hồi 6758000đ.

Từ Đà Nẵng đi sân bay Vũ Túc Thái Nguyên (Sơn Tây) mùa thấp điểm tháng 9, 10, 11; mùa cao điểm tháng 6,7 giá vé trung bình 260 USD/1 chiều (chưa thuế phí). Giá thấp nhất là 230 USD (chưa thuế phí).

Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Thái Nguyên Sơn Đông 6 440 000 đ (bay thẳng 16h25p, hãng Sichuan Airlines), 9 600 000đ (nối chuyến 8h55p, hãng China Southern), 9 878 000đ (12h, hãng Xiamen).

Một số khách sạn giá rẻ bạn có thể ở khi đến du lịch ở Ngũ Đài Sơn.

Wutai Mountai (cách 700m) giá 428 325đ/ đêm.

Wutaishan Shengtai Holiday Inn (cách 720 m) giá 747 120 đ/ đêm.

Floral Hotel Hear And Soul Mount Wutai (cách 1.28 km) giá 921 979 đ/ đêm.

Wutaishan Jingyuan Hotel (cách 1.65 km) giá 1 078 000đ/ đêm

Với những thông tin tham khảo hữu ích như trên, bạn có thể dễ dàng thực hiện chuyến đi du ngoạn Ngũ Đài Sơn. Chúc các bạn vui vẻ.

Rate this post
0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Theo dõi
Thông báo
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
TOP